LangUuDiem.Com

Sơ Lược Sự Tích Tiên Tiến Trấn Quốc Đại Tướng Quân Thượng Tổ Đời Thứ 3 Họ NGUYỄN KHOA Làng Ưu Điềm Tiến Sĩ NGUYỄN DUY NĂNG

I. CHUYỆN LƯU TRUYỀN VỀ CUỘC ĐỜI TỔ NGUYỄN DUY NĂNG

Tiểu sử Nguyễn Duy Năng

Cuộc đời Tổ Nguyễn Duy Năng còn lại một số chứng tích như: lăng mộ, miếu thờ, thần vị, các bản sao 5 đạo sắc của các vua Lê Thế Tông, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức ban phong hàm tước, thụy hiệu cho ngài, gia phả xưa từ thế kỷ 17, 18 của dòng họ ghi tên, chức vụ, hàm tước, vợ con, cháu chắt của ngài. Gần đây còn tìm thấy tên tuổi, học vị của ngài trong sách Đăng khoa lục. Ngoài ra trong dòng tộc còn lưu truyền câu chuyện đời ngài cô đọng, ngắn gọn như sau: “Ngài sinh tại làng Ưu Điềm, thời trưởng thành ngài ra Bắc, về nhập đinh tại làng quê cũ của cha ông, được làm quan, ngài lại về Nam tiếp được làm quan, đầu là quan văn, sau thành quan võ, thời hưu trí ngài đem lính hầu cận về thăm quê cũ ngoài Bắc, dời mộ cố, vải vào an táng tại Chót Trạng, Ưu Điềm, nay là mộ Tổ Họ Nguyễn Khoa”.

Gốc câu chuyện xuất phát từ các vị tiền nhân là chức sắc trong Họ, trong làng biết chữ Hán, có nhiệm vụ bảo quản bảng vàng công tích, các sắc của các vua ban cho Đại tướng quân Nguyễn Duy Năng và hàng năm tổ chức cúng tế cho ngài tại miếu công thần và cúng vọng tại đình làng. Với tinh thần tôn nghiêm, coi ngài và bằng sắc vua ban cho ngài là thiêng liêng nên chuyện kể về Nguyễn Duy Năng chỉ có thế.

Trải qua 400 năm kể từ năm ngài Nguyễn Duy Năng được vua phòng Đại tướng quân (1596), năm 1995 lần đầu tiên có một văn bản nghiên cứu sơ lược về tiểu sử ngài Nguyễn Duy Năng và đã được ghi vào bộ Tộc phả năm 1995, tiếp 20 năm sau Họ đã lưu tâm tiếp tục tìm kiếm tư liệu, chứng tích đáng tin cậy, nay chính thức viết bản sơ lược sự tích ngài Nguyễn Duy Năng để lý giải nguồn gốc các di tích còn lại và sự thật cốt lõi của chuyện kể cô đọng, ngắn gọn trên đây.

 

II. PHẢ HỆ GIA TỘC NGÀI NGUYỄN DUY NĂNG

 

Hiện nay mới biết được 5 đời từ Cao tổ xuống đến đời ngài Nguyễn Duy Năng.

1. Đời cao tổ là ngài Nguyễn Cán sinh khoảng 1433 thời Lê Thái Tổ (Lê Lợi).

2. Đời tằng tổ là ngài Nguyễn Hinh tự Đức Hinh sinh khoảng 1458 thời Lê Nhân Tông.

3. Đời ông nội là ngài Nguyễn Lộng tự Sĩ Hộ sinh khoảng 1483 thời Lê Thánh Tông.

4. Đời thân phụ là ngài Nguyễn Dương tự Sĩ Nhuận sinh khoảng 1508 thời Lê Uy Mục.

5. Đời bản thân là ngài Nguyễn Năng tự Duy Năng tức Nguyễn Duy Năng.

Phả hệ gia tộc Nguyễn Khoa tôn vinh 5 đời đã nói ở trên như sau:

– Ông bà Nguyễn Cán: Sơ thế tổ

– Ông bà Nguyễn Hinh tự Đức Hinh: Thủy tổ

– Ông bà Nguyễn Lộng tự Sĩ Hộ: Thượng tổ đời 1

– Ông bà Nguyễn Dương tự Sĩ Nhuận: Thượng tổ đời 2

– Ông bà Nguyễn Duy Năng: Thượng tổ đời 3

Kể từ đời thứ 1 là ngài Thượng tổ Nguyễn Lộng, đến nay (2014) dòng tộc đã truyền nối được 18 đời.

 

III. QUÊ CŨ, QUÊ MỚI – HOÀN CẢNH DI CƯ TỪ ĐỜI ÔNG NỘI NGÀI

NGUYỄN DUY NĂNG

 

Cả 2 đời cao tổ, tằng tổ (cụ, kỵ) đã ghi ở trên đều sinh sống tại xã Trình Uyên huyện Phượng Nhởn xứ Kinh Bắc. Khi về già 2 vị đời cụ, kỵ đều mất tại xã Trình Uyên. Xã Trình Uyên sau đổi là Sính Uyên rồi Dĩnh Uyên gồm các làng Lường, Xuân, Ngò, Đọ, Trước và 2 xóm An Phong, Tích Sơn gộp lại. Hiện nay làng Lường thuộc xã Dĩnh Kế, các làng xóm còn lại thuộc xã Tân Tiến. Cả 2 xã đều thuộc thành phố Bắc Giang.

Đến đời ông nội ngài Nguyễn Duy Năng là ngài Nguyễn Lộng tự Sĩ Hộ, ở tuổi thanh niên, ngài Nguyễn Lộng từ xã Trình Uyên huyện phượng Nhởn đã di cư vào miền Trung, định cư tại xã Ưu Đàm huyện Kim Trà phủ Triệu Phong xứ Thuận Hóa. Thời điểm di cư vào giai đoạn cuối triều vua Lê Uy Mục, đầu triều vua Lê Tương Dực([1]).

Không rõ lúc di cư ngài đã có vợ con chưa, biết rằng vợ ngài (tức bà nội ngài Nguyễn Duy Năng) tên là Đỗ thị Giá. Hai ông bà là tổ đầu tiên sinh thành dòng họ Nguyễn Duy nay là Nguyễn Khoa tại làng Ưu Đàm, là vị có công khai canh làng xã Ưu Đàm thuở ấy.

Đời thân phụ ngài Nguyễn Duy Năng là ngài Nguyễn Dương tự Sĩ Nhuận không rõ sinh tại xã Trình Uyên huyện Phượng Nhởn rồi ra đi theo cha mẹ vào xã Ưu Đàm hay là sinh tại xã Ưu Đàm, nhưng chắc chắn rằng ngài trưởng thành tại xã Ưu Đàm, huyện Kim Trà xứ Thuận Hóa với cha mẹ, về sau đã sinh ra ngài Nguyễn Duy Năng tại đây.

Đời ông nội ngài Nguyễn Duy Năng di cư theo chính sách di dân vào Nam của Triều Lê trong giai đoạn đất nước có nhiều biến động. Triều Lê kể từ đời vua Lê Uy Mục là thời bắt đầu suy. Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã chép những dòng phản ảnh thời đó như sau: “Dân trong nước điêu linh, trăm họ oán giận… Nông tang tiêu tàn, mất nghiệp… Triều thần chém giết lẫn nhau, chốn kinh sư đẫm máu… Xóm làng dân dã khốn cùng… Trong nước đói to, xác người chết đói gối lên nhau… Thế nước lâm nguy…”([2])

Ông bà Nguyễn Lộng (ông bà nội ngài Nguyễn Duy Năng) và ông bà Nguyễn Dương (cha mẹ ngài Nguyễn Duy Năng) mới định cư tại xã Ưu Đàm xứ Thuận Hóa được chừng 15 năm thì đất nước xảy ra biến loạn lớn. Năm 1527 Mạc Đăng Dung giết vua Lê Cung Hoàng lập nên Triều Mạc. Triều Lê sụp đổ. Ưu Đàm xứ Thuận Hóa nay thuộc chính quyền triều Mạc. Lúc này ngài Nguyễn Duy Năng chưa sinh.

Nhưng chỉ 6 năm sau ngày Mạc Đăng Dung đảo chính Triều Lê, lập nên Triều Mạc, một sự kiện quan trọng đã xảy ra đó là Quân Tướng triều Lê chạy loạn nay tập họp lại chống Mạc, khôi phục Triều Lê, thời cuộc giai đoạn này đã gắn chặt với cuộc đời của Nguyễn Duy Năng.

 

IV. SINH THỜI VÀ TUỔI TRẺ

 

Ngài Nguyễn Duy Năng sinh năm Quý Tỵ – 1533([3]) trong một gia đình nông dân tại ấp Tân Lại, xã Ưu Đàm, huyện Kim Trà, phủ Triệu Phong xứ Thuận Hóa, đây là quê mới của cha, ông. Năm này thân phụ ngài là Nguyễn Dương tự Sĩ Nhuận mới khoảng 25, 26 tuổi, ông nội khoảng 50,51 tuổi. Tuy là gia đình nông dân nhưng cha ông đều biết chữ. Ngài sinh ra trong thời điểm lịch sử nước nhà có biến động lớn. Như trên đã nói năm 1527 Mạc Đăng Dung đảo chính triều Lê, lập nên chính quyền triều Mạc trong cả nước. Quân tướng triều Lê chạy loạn khắp nơi. Tại Ai Lao Hữu Tướng Quân cũ của triều Lê tên là Nguyễn Kim tập hợp quân, tướng và triều thần cũ thành lực lượng chống lại triều Mạc. Năm 1533 tìm được con vua Lê Chiêu Tông là Lê Ninh đang chạy loạn, tôn lên làm vua với miếu hiệu là Lê Trang Tông, niên hiệu Nguyên Hòa, mở đầu khôi phục nhà Lê. Như vậy ngài Nguyễn Duy Năng sinh đúng năm vua Lê Trang Tông lên ngôi còn triều Mạc lúc ấy là vua Mạc Đăng Doanh.

Năm 1540 Nguyễn Kim kéo quân về đánh chiếm Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, chính quyền Mạc 3 vùng này đầu hàng. Triều Lê mới khôi phục, đóng đô tại Thanh Hóa. Đất nước rơi vào cảnh hỗn chiến giữa 2 triều: Lê từ Thanh Hóa trở vào Nam (còn gọi là Nam triều), Mạc từ Ninh Bình, Nam Định trở ra Bắc (còn gọi là Bắc Triều). Cuộc chiến tranh giữa 2 triều kéo dài trên 50 năm.

Mặc dù Nam Triều chiếm được vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh nhưng 11 năm sau vẫn chưa chiếm được vùng Thuận Quảng đang trong tay triều Mạc. Năm 1552 (lúc này Nguyễn Kim đã chết, toàn quyền thuộc về Trịnh Kiểm) vua Lê và Trịnh Kiểm tiến đánh chiếm được Thuận Hóa, Quảng Nam của Mạc, lập chính quyền Lê Trịnh trong 2 xứ. Như vậy làng Ưu Điềm, huyện Kim Trà xứ Thuận Hóa – quê mới của gia đình ngài Nguyễn Duy Năng sống dưới chính quyền Mạc được 25 năm (1527 – 1552) thì nay lại phải sống dưới chính quyền Lê Trịnh .

Các diễn biến trên đây cho thấy từ năm 1 tuổi cho đến năm 19 tuổi ngài Nguyễn Duy Năng đã sinh sống và trưởng thành mọi mặt kể cả học vấn dưới chính quyền triều Mạc tại Thuận Hóa (1533 – 1552). Tiếp thập kỷ tuổi 20 của ngài, ngài đã sống dưới chính quyền triều Lê – Trịnh, trong đó có mấy năm do Trấn thủ Quận công Nguyễn Hoàng cai quản Thuận Hóa. Là thanh niên có học thức, với nhãn quan chính trị ngài biết sự kiện: Nguyễn Kim có công đầu khôi phục triều Lê, đã chết. Vua Lê còn đó nhưng thực quyền đã nằm trong tay Trịnh Kiểm, Trịnh Kiểm đã giết Nguyễn Uông con cả Nguyễn Kim và là anh ruột của Nguyễn Hoàng. Ngài Nguyễn Duy Năng cũng thấy Nguyễn Hoàng – vị Trấn thủ xứ Thuận Hóa là một nhân tố mới tiến bộ vì Nguyễn Hoàng đã có những chính sách khoan dân: giảm sưu thuế, khuyến khích nông nghiệp, thương nghiệp, chính sự khoan hòa công bằng, kỷ luật nghiêm minh, giúp dân an cư lạc nghiệp…

Chưa rõ ngài lấy vợ là bà Đỗ thị Biện bao giờ nhưng 2 ông bà đã sinh người con đầu lòng là Nguyễn Duy Liêm vào năm Mậu Ngọ 1558 (trùng với năm Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa), năm này ngài Nguyễn Duy Năng đã 25 tuổi.

Tuổi đã 25, là một thanh niên nông dân có học nhưng bản thân ngài và gia đình cũng không có thân thế gì để được tiến cử quan viên dù là cấp thấp. Ngài Nguyễn Duy Năng đứng trước 2 con đường:

a. Sẽ là một nông dân chân lấm tay bùn, địa vị thấp hèn như mọi nông dân khác thời xưa.

b. Học tiếp để tiến thân trên con đường khoa cử quan gia.

Ngài đã quyết định theo con đường thứ 2. Là con một, gia đình cũng muốn ngài đi theo hướng đó. Nhưng học hành thi cử đại khoa ở đâu?

Tại vùng Nam triều từ năm 1533 đến năm 1562 là 29 năm, ngài Nguyễn Duy Năng cũng 29 tuổi, Nam triều chỉ tổ chức có một kỳ thi chế khoa (tức thi Đại Khoa không theo quy chế chính quy) lấy đỗ được 13 vị Tiến sĩ. Cùng thời gian đó Bắc triều đều đặn 3 năm một lần, tổ chức được 10 khóa thị Hội thi Đình chọn được 241 Tiến sĩ trong đó có 2 Trạng Nguyên là Nguyễn Bỉnh Khiêm và Giáp Hải nổi tiếng tận ngày nay([4]).

Ngài cũng từng nghe ông bà cha mẹ kể về quê cũ ở Kinh Bắc, ở đó là đất hiếu học, gần nôi văn hóa Thăng Long. Là nơi có thế nương tựa. Thời đó ở vùng Nam triều có nhiều Cống sĩ đã vượt biển ra Bắc với Mạc([5]). Sẵn có cảm tình với triều Mạc do ngài từ khi sinh ra đến năm 19 tuổi đã sống và học hành dưới chính quyền triều Mạc nên ngài đã chọn con đường ra Bắc tìm cách sinh sống học hành thi cử với triều Mạc. Chắc chắn ngài đã nghĩ đến cảnh phải xa gia đình, vợ con nhưng vì tương lai gia đình và bản thân ngài vẫn quyết tâm ra đi.

Ra Bắc ngài đã tìm về quê cũ của cha ông là xã Trình Uyên huyện Phượng Nhởn xứ Kinh Bắc. Chưa rõ ngài ra đi năm nào, dự đoán ngài đi năm 28 tuổi vì 25 tuổi sinh con đầu đến 27, 28 tuổi không thấy sinh con thứ 2 như thường gặp và trên 10 năm sau vẫn không thêm con thứ 2 vì ông bà đã xa nhau. Tại quê gốc, theo lời dặn của cha, ông, chắc chắn ngài đã tìm được bà con xóm làng cùng thời với cha, ông, được bà con chỉ bảo, ngài đã tìm được mộ cố, vải, vườn tược xưa. Ông nội mới xa khoảng 50 năm; với nhiều thông tin qua lại, dân làng chắc chắn đã chấp nhận ngài là cháu nội ông Nguyễn Lộng tự Sĩ Hộ, chắt nội ông Nguyễn Hinh thời trước. Ngài đã xin và đã được nhập đinh thành dân làng cũ của cha, ông.

Vừa tìm việc để sinh sống, vừa tìm thầy học bạn, tự trau dồi kinh sử trên 10 năm ở đất Bắc. Điều kiện giấy tờ, lý lịch, trình độ học vấn đã có thể đi thi. Mùa xuân năm Giáp Tuất – 1574, Mạc Sùng Khang thứ 9 triều Mạc Mậu Hợp mở khóa thi Hội thi Đình để chọn Tiến sĩ. Chắc chắn năm trước ngài đã đỗ thi Hương tại trường Kinh Bắc. Hội thi Tiến sĩ đã mở, ngài đã dự thi. Kết quả là ngài đã đỗ “Đệ Tam Giáp Đồng Tiến Sĩ Xuất Thân”. Theo lệ, ngài được đón về bái yết vinh quy tại xã Trình Uyên huyện Phượng Nhởn, nơi ngài là dân làng, là quê cũ của cha, ông. Sách Đăng Khoa Lục đã ghi lại khóa thi năm ấy, trong đó đã chép: “Nguyễn Duy Năng người xã Trình Uyên huyện Phượng Nhởn đỗ Đệ Tam Giáp Đồng Tiến Sĩ Xuất Thân năm 41 tuổi được bổ làm quan Thừa Chính Sứ”([6]).

 

V. ĐƯỜNG QUAN GIA

 

Như vậy quyết chí của ngài đã thành công, đường khoa cử đã đạt. Đất nước lúc này đã có nhiều thay đổi cục diện.

Triều Lê – Trịnh đang lên, quân Trịnh đã có sức mạnh đánh ra 9 tỉnh ở Bắc, hậu phương của Triều Mạc.

Triều Mạc đang đi xuống, quân sự, thất bại nhiều hơn thắng, nhiều tướng sĩ, lực lượng thủy bộ hàng vạn người chạy về với Trịnh. Triều thần nhiều anh tài chán nản với vua Mạc Mậu Hợp.

Tại Thuận Quảng với sự cai quản của Trấn thủ Nguyễn Hoàng, kinh tế xã hội có bước phát triển, không có chiến tranh, ngài quyết định bí mật trở về Nam.

Chắc chắn tại Thuận Hóa, gia đình vợ con đang mong đợi. Nhưng ngài phải tính chuyện về thế nào cho an toàn. Ngài phải đợi vài năm để nhận bằng vua ban, để nhận chiếu chỉ làm quan, để yết kiến vua, gặp gỡ triều thần trước khi đi nhậm chức Thừa Chính Sứ([7]). Chưa rõ ngài về năm nào, dự đoán là năm 1576 vì năm Đinh Sửu 1577 hai ông bà đã sinh người con thứ 2 là Nguyễn Duy Trực. Như vậy rõ ràng ngài đã bỏ làm quan Thừa chính sứ với triều Mạc để về Thuận Hóa.

Người con đầu Nguyễn Duy Liêm lúc ngài ra đi mới 3, 4 tuổi, lúc ngài về đã 17, 18 tuổi, được mẹ nuôi học hành. Thân phụ ngài là Nguyễn Dương đã 68, 69 tuổi, ông nội ngài là Nguyễn Lộng đã khoảng 92, 93 tuổi, không rõ ông bà cha mẹ lúc ngài về ai còn ai mất, tuổi thọ trung bình thời ấy rất thấp.

Với tư thế là một tân Tiến sĩ đã ở tuổi trung niên, với một chiếu chỉ vua Mạc bổ làm quan Thừa Chính Sứ nhưng không ra làm quan, bỏ về với Lê – Trịnh về với Nguyễn Hoàng, ngài cũng không có thù oán gì về chính trị với Triều Lê và với Trấn thủ Nguyễn Hoàng, ngài Nguyễn Duy Năng đã yết kiến Thái phó Quận công Tổng trấn Tướng quân Nguyễn Hoàng tại chính Dinh Ái Tử (Quảng Trị). Nguyễn Duy Năng đã được Tổng trấn Tướng quân tiếp nhận, cử làm quan Khuyến Nông giúp Nguyễn Hoàng tổ chức, triển khai, khuyến khích phát triển nông nghiệp trong vùng Thuận Quảng. Nguyễn Hoàng có được một quan viên Tiến sĩ quê ở Ưu Điềm huyện Hương Trà gần dinh phủ chúa([8]). Thuận – Quảng thuở ấy là biên cương phía Nam của Triều Lê – Trịnh phải phòng Mạc đánh bọc hậu, phòng Chămpa và các nước phương Nam lợi dụng nước đang nội chiến tấn công lấn chiếm Đại Việt.

Mặc dù thời Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng đã khuyến khích hàng vạn dân cư Thanh Hóa (quê hương Nguyễn Hoàng) và cả dân Nghệ – Tĩnh vào khai phá mở mang ruộng đồng làng xóm phát triển kinh tế, nhưng thời Nguyễn Duy Năng được Nguyễn Hoàng cử làm quan Khuyến nông đất hoang hóa còn vô vàn, dân cư làng xóm còn thưa thớt, kinh tế nông nghiệp còn kém phát triển so với đàng ngoài vì vậy đẩy mạnh phát triển nông nghiệp vẫn là công tác trọng yếu để tạo thế vững về kinh tế xã hội, mạnh về quân sự “Thực túc binh cường” Nguyễn Hoàng tổ chức bộ máy hành chính quân sự là một nên Nguyễn Hoàng dùng ấn Tổng trấn Tướng quân vì vậy có lẽ ngài Nguyễn Duy Năng là quan Khuyến nông nhưng được Tổng trấn Tướng quân giao thêm nhiệm vụ tổ chức chỉ huy công tác hậu cần quân lương cho quân đội mặt trận Thuận Quảng và tiếp viện một phần cho quân đội đang đánh Mạc ở phía Bấc theo nghĩa vụ Triều Lê – Trịnh giao cho Nguyễn Hoàng. Đáng tiếc đến nay chưa tìm được tư liệu nào nói rõ về công tích cụ thể của ngài Nguyễn Duy Năng trong sự nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp vùng Thuận Quảng cũng như công lao cụ thể của ngài về mặt quân sự trong 20 năm làm quan dưới sự lãnh đạo của Tổng trấn Tướng quân Nguyễn Hoàng. Năm 1593 Nguyễn Hoàng đem quân bản bộ, voi ngựa, châu báu, sổ sách kho tàng ra Bắc chào mừng vua Lê và Trịnh Tùng đã đánh thắng Mạc, Nguyễn Hoàng được Trịnh Tùng và vua Lê phong chức tước rất cao, bị giữ lại Bắc 7 năm, giao làm Tổng Đô đốc đem quân bản bộ và tướng sĩ cơ doanh đi đánh tàn quân Mạc còn rất mạnh ở vùng Đông Bắc. Lúc này Nguyễn Hoàng đã 68 tuổi, Nguyễn Duy Năng đã 60, không rõ Nguyễn Hoàng có điều Nguyễn Duy Năng đi theo ra Bắc hay không.

Là một Tiến sĩ, đến nay chưa tìm thấy dấu tích văn chương nào của ngài để lại.

Hiện nay chỉ biết công tích quân sự tổng quát của ngài qua Sắc lệnh vua Lê Thế Tông phong hàm Trấn Quốc Đại Tướng Quân cho ngài vào năm 1596.

Năm 1592 dưới sự chỉ huy của Đô Tướng Thái úy Trường Quốc công Trịnh Tùng, quân Trịnh bao vây, đánh chiếm được kinh thành Thăng Long của vua Mạc, truy kích bắt được cha con vua Mạc Mậu Hợp và rất nhiều quân tướng triều thần của Mạc. Lê đã thắng Mạc.

Tháng 3 Quý Tỵ – 1593 vua Lê Thế Tông mở hội mừng công đánh dấu sự nghiệp Trung hưng nhà Lê đã hoàn thành. Khen thưởng người có công phù Lê diệt Mạc. Đợt 1 cho các Tướng quân và Triều thần ở Trung ương. Đợt 2 vào năm 1595 cho Tướng sĩ tại các dinh cơ. Sắc lệnh này trong tập 2 Quan chức chí trang 65 sách Lịch Triều Hiến chương loại chí Phan Huy Chú có ghi: “Thế Tông năm Quang Hưng thứ 18 (1595) vua dẹp xong giặc Mạc, về kinh đô hạ chiếu cho các Tướng sĩ các cơ doanh ai có công đánh giặc, người đã được phong tước cho thăng một bậc, người chưa được phong tước cho phong tước Nam để tỏ khuyến khích; còn quan viên các xứ thì chỉ phong là Công thần có các chữ Minh Nghĩa, Kiệt Tiết, Tuyên Lực. Ngài Nguyễn Duy Năng về mặt quân sự là quan cao cấp tại Dinh Hùng Nghĩa Thuận Quảng dưới sự chỉ huy của Thái phó Quận công Tổng Trấn Tướng Quân Nguyễn Hoàng nên được xét khen thưởng theo sắc lệnh năm 1595 đã ghi ở trên. Năm này ngài Nguyễn Duy Năng đã ở tuổi 62 chỉ còn 3 năm nữa là nghỉ việc quan. Ngài đã được Triều Thần (trong đó có Thái úy Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng) đã xét quân công của ngài và đề nghị lên nhà vua ban thưởng.

Vua Lê Thế Tông đã ban sắc lệnh phong thưởng cho ngài như sau (có bản gốc chữ Hán kèm theo):

 

SẮC

Hạ chế Nguyễn Duy Năng người xã Ưu Đàm huyện Hương Trà!

Ngươi là bậc có công tham gia quân đội đánh giặc do Thái úy Trường Quốc Công Trịnh Tùng làm Đô Tướng. Triều thần có ghi danh đề nghị xứng thăng Nam tước.

Nay xét, ban hàm TIÊN TIẾN TRẤN QUỐC ĐẠI TƯỚNG QUÂN – VĂN HIỂN NAM.

Hãy giúp việc quân theo trật bậc đã ban! Chiếu sắc!

Ngày 6 tháng 8 năm Quang Hưng thứ 19 (1596)

(Sắc mệnh chi bảo)

 

Sắc lệnh trên có thể dịch:

“Sắc hạ chế Nguyễn Duy Năng ở xã Ưu Đàm huyện Hương Trà!

Vì mệnh lệnh của Đô tướng Thái úy Trường Quốc công Trịnh Tùng mà đã tòng quân giết giặc lập được chiến công. Triều thần có kiến nghị đáng được thăng Nam tước và cất nhắc…”

Nay vua xét ban phong TIÊN TIẾN TRẤN QUỐC ĐẠI TƯỚNG QUÂN – VĂN HIỂN NAM.

Hãy giúp việc quân theo chức trách! Chiếu sắc!

Trên đây là Vinh hàm vua phong cho người có công lớn nay sắp hưu trí.

Theo quy chế, khi về hưu, được mang sắc lệnh này về quê hương. Kèm theo sắc lệnh này có bảng vàng công tích trong đó ghi sơ yếu lý lịch, chức vụ, công tích, lương bổng, lính hầu, chế độ tập ấm quan viên, chế độ thờ phụng lúc qua đời… Theo chế độ thời đó thì ngài về hưu ở tuổi 65 tức năm 1598.

 

 

VI. HOÀN CẢNH GIA ĐÌNH VÀ GIAI ĐOẠN CUỐI ĐỜI

 

Ngài về hưu trí tại ấp Tân Lại xã Ưu Điềm huyện Hương Trà phủ Triệu Phong xứ Thuận Hóa. Lúc ngài về trong gia đình chỉ có 2 người. Bà và người con trai thứ 2. Bà tên là Đỗ thị Biện húy Điện chưa rõ năm sinh và quê quán, bà chắc đã ở tuổi 60 hoặc hơn, không rõ bà còn hay đã mất. Người con thứ 2 là Nguyễn Duy Trực đã 21 tuổi, có lẽ cũng đã đi làm quan viên từ năm 18 tuổi vì được hưởng chế độ tập ấm do cha là Quan Đại Tướng Quân. Còn ngài Nguyễn Duy Liêm (con cả) năm ấy đã 40 tuổi đang làm quan phục vụ chính quyền chúa Nguyễn Hoàng. Vợ con ngài Nguyễn Duy Liêm đều theo ngài Liêm sinh sống và làm việc nơi ngài đang làm quan ở nơi xa quê.

Như vậy lúc ấy ngài Nguyễn Duy Năng về hưu hoàn cảnh gia đình khá vắng vẻ. Sự trống vắng ấy chắc có tác động đến suy nghĩ của ngài về việc truyền nối dòng dõi tương lai vì bà cả nếu còn cũng đã hết sinh. Ngài Liêm là con cả có 3 con trong đó chỉ có một con trai duy nhất mới 14 tuổi. Ngài Trực thì chưa có vợ con, không biết tương lai ra sao. Rõ ràng con cháu ngài để lại cho mai sau quá ít ỏi và mong manh, ngài thì cũng đã già rồi.

Vì lẽ để việc nối dõi tông đường chắc chắn hơn nên ngài đã lấy bà vợ thứ 2 người làng Văn Quỷ huyện Hải Lăng – Quảng Trị (chưa rõ họ tên bà). Chưa rõ 2 ông bà xây dựng gia đình từ năm nào biết rằng năm ngài 67 tuổi sinh được 1 con trai vào năm Canh Tý – 1600 tên là Nguyễn Duy Cần. Chưa rõ vì sao bà chỉ có một người con.

Khoảng sau năm 67 tuổi ngài ra Bắc, trở về xã Trình Uyên huyện Phượng Nhởn quê cũ cha, ông để thăm viếng bà con xóm làng, bạn bè, thầy học và bao kỷ niệm thời ngài về nhập đinh thành dân làng để học hành thi cử, tìm viếng mộ cố vải. Những lần ra vào quê cũ, ngài đã gặp được người bạn đời xứ Kinh Bắc tên là Nguyễn thị Đôi húy Quảng (chưa rõ làng xã và năm sinh của bà), nhờ đó năm ngài 70 tuổi, 2 ông bà đã sinh một con trai là Nguyễn Duy Thiên vào năm Quý Mão – 1603, đến năm ngài 72 tuổi sinh thêm một trai nữa vào năm Ất Tỵ – 1605 tên là Nguyễn Duy Thằng. Sau đó không thấy ngài sinh thêm người con nào nữa. Phải chăng ngài bị đau yếu vì bệnh nào đó rồi qua đời? Chúng ta cần lưu ý thời trai trẻ và thời còn làm quan lớn ngài không lấy thêm một người vợ nào cả.

Trong 6, 7 năm nghỉ hưu ngài Nguyễn Duy Năng đã làm được hai việc đại hiếu theo quan niệm xưa đó là: Đã sinh thêm được 3 người con trai để lại cho dòng dõi mai sau và trở về quê gốc xã Trình Uyên xứ Kinh Bắc dời một lúc 5 ngôi mộ cố, vải (cụ, kỵ) vào an táng tại quê mới ở Chót Trạng, thôn Niêm, xã Ưu Điềm Thuận Hóa, nay là khu mộ Tổ họ Nguyễn Khoa([9]). Các ngôi mộ ấy đã trải qua 100 năm kể từ năm ông nội (ngài Nguyễn Lộng) di cư. Hãy tưởng tượng đường xa vạn dặm, đi bộ, đi ngựa, thuyền ghe… ngoài ra còn vượt qua bao hủ tục nặng nề thời đó. Sở dĩ ngài di dời được 5 ngôi mộ đời cố, vải vào quê mới là vì tại quê gốc bà con chi phái dòng tộc không còn ai. Nếu tại xã Trình Uyên còn anh em cùng chi thì ngài không thể di dời mộ cố vải đi được vì đó là Tổ chung, là quê gốc Tổ tiên, mặt khác ngài cũng đã có mộ phần đời cha mẹ, ông bà ở quê mới. Cũng vì lẽ đó mà tại xã Trình Uyên nay là Dĩnh Uyên trước năm 1993 không một ai biết nguồn gốc và di tích tổ tiên của ngài Nguyễn Duy Năng. Không một họ nào trong tộc phả có ghi Nguyễn Duy Năng là Tổ cao đời của Họ mình mặc dù tại xã Dĩnh Uyên trước năm 1960 còn di tích miếu thờ: “ông Nghè Nguyễn Duy Năng”.

Chưa rõ ngài và các bà mất năm nào. Ước đoán ngài mất khoảng 75-80 tuổi vào cuối thời vua Lê Kính Tông và cuối thời Thái úy Quốc công Nguyễn Hoàng. Ngài mất tại ấp Tân Lại (thôn Bàu) xã Ưu Điềm huyện Hương Trà xứ Thuận Hóa. Có lẽ ngài được hung táng ở địa phận ấp Tân Lại sau đó đã cải táng lên Cửa Truông thôn Niêm xã Ưu Điềm cách mộ cha mẹ ngài khoảng 60-70m. Ngày nay (2014) mộ ngài tại đây đã khoảng 400 năm giữa lùm cây cổ thụ hàng trăm năm. Lăng mộ được xây dựng trang trọng uy nghi.

Ngày giỗ Đại Tướng Quân Nguyên Duy Năng là 15-3ÂL hàng năm.

Mộ bà cả Đỗ thị Biện húy Điện tại Cồn Giữa thôn Niêm, Ưu Điềm. Giỗ 15-5ÂL.

Mộ bà 2 bị thất lạc. Có miếu thờ bà cận mộ ngài Nguyễn Duy Cần con bà tại Chót Trạng.

Mộ bà 3 người xứ Kinh Bắc tại Động Sủng sau mộ Tổ Họ, đã xây lăng mộ. Giỗ bà ngày 8-4ÂL.

 

VII. SAU THỜI NGÀI ĐẠI TƯỚNG QUÂN NGUYỄN DUY NĂNG QUA ĐỜI

 

Sau thời qua đời, ngài TIÊN TIẾN TRẤN QUỐC ĐẠI TƯỚNG QUÂN NGUYỄN DUY NĂNG được triều đình quân chủ cho thờ vào miếu Công thần, giao xã Ưu Điềm huyện Hương Trà sau là huyện Phong Điền thờ cúng hàng năm, xã có dành phần ruộng hương hỏa để cúng tế ngài. Miếu công thần thờ ngài tại Bến đá thôn Bàu làng Ưu Điềm nay vẫn còn. Từ năm 1946 việc thờ phụng ngài do họ Nguyễn Khoa (tức Nguyễn Duy xưa) đảm nhiệm vì cách mạng năm 1945 đã bãi bỏ chế độ thờ trước đây.

Triều Nguyễn nhớ công ơn ngài Trấn Quốc Đại Tướng Quân Nguyễn Duy Năng đã góp phần giúp Nguyễn Hoàng vị Thái Tổ Triều Nguyễn xây dựng cơ đồ để 244 năm sau (1558 – 1802) cháu 10 đời của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Ánh thắng Tây Sơn lên làm vua với niên hiệu Gia Long mở đầu Triều Nguyễn nên 3 đời vua Triều Nguyễn liên tiếp ban 4 đạo sắc gia phong thụy hiệu cho ngài.

– Ngày 26-7 Minh Mạng 1 (1820) vua Nguyễn Thánh Tổ gia phong: Quả Nghị, Tráng Liệt Đại Tướng Quân.

– Ngày 8-10 Thiệu Trị 2 và ngày 8-11 Thiệu Trị 2 (1842) có 2 đạo sắc gia tặng 2 cặp mỹ tự: Uất Tích, Phương Huân của vua Nguyễn Hiến Tổ. Đạo sắc vua Nguyễn Hiến Tổ còn ban bậc Trung Đẳng Thần.

– Ngày 6-8 Tự Đức 3 (1850) vua Nguyễn Dực Tông gia tặng thụy hiệu: Quang Ý. Toàn văn sắc vua Nguyễn Dực Tông như sau:

Sắc Tiên Tiến Trấn Quốc Đại Tướng Quân!

Nguyên được tặng: Quả Nghị Tráng Liệt Uất Tích Phương Huân Trung Đẳng Thần vì Thần đã có tinh thần đáp ứng sự nghiệp giúp nước che dân tỏ rõ rất xuất sắc. Mang ơn thần nên đã ban cấp tặng sắc và cho thờ phụng. Nay ơn trên ban xuống, thừa chính mệnh lớn lao, nhớ tới công thần thuở trước, đáng được phong thêm: “QUẢ NGHỊ TRÁNG LIỆT UẤT TÍCH PHƯƠNG HUÂN QUANG Ý TRUNG ĐẲNG THẦN”.

Chuẩn giao xã Ưu Điềm huyện Phong Điền thờ phụng thần theo lệ cũ. Thần phù hộ bảo vệ dân chúng cho Trẫm. Hãy kính sắc này!

Ngày 6-8 năm Tự Đức 3 (1850)

(Sắc mệnh chi bảo)

Tại xã Trình Uyên huyện Phượng Nhởn nơi ngài trước đây đã nhập đinh để đi thi đỗ Tiến sĩ và bái yết vinh quy về đây, là làng cũ đời cha ông, cụ, kỵ của ngài có xây miếu nhỏ tại bãi Mã Thai thờ ngài, thờ vị Tiến sĩ Nguyễn Duy Năng. Xã giao cho 2 làng Lường, Xuân cúng tế đạm bạc hương hoa vào mùa xuân hàng năm. Ngày mùa ngài còn được cúng cơm gạo mới (ngày cúng các cụ trong xã nhớ khác nhau, có người nhớ 15-3 trùng với ngày giỗ ngài tại Ưu Điềm). Có thể ngài Nguyễn Duy Năng qua đời, lúc đó bà vợ người xứ Kinh Bắc còn trẻ đã báo về cho xã Trình Uyên biết nên xã đã xây miếu thờ ngài.

Miều thờ ngài tại bãi Mã Thai, làng Xuân từ năm 1946 trở về sau đã tàn lụi dần, năm 1960 còn tấm bia đá xanh khắc 3 chữ Hán NGUYỄN DUY NĂNG đã bị đập phá bởi một người say rượu.

Tại xã Dĩnh Kế (nay thuộc thành phố Bắc Giang) ngày xưa có một Văn miếu thờ 8 vị Tiên hiền của 2 huyện Phượng Nhởn, Bảo Lộc, nay đã trở thành phế tích do bị giặc Pháp đốt phá nhưng còn lại một tấm bia đá khắc tên 8 vị Tiến sĩ trong đó có tên “Nguyễn tiên sinh tự Duy Năng, Dĩnh Uyên Phượng Nhởn… đỗ Đệ Tam Giáp Đồng Tiến Sĩ Xuất Thân năm 41 tuổi…”. Bia này hiện dựng tại đền Tam Thánh còn gọi là Nghè Kế ở thành phố Bắc Giang.

Tại tấm bia số 6 trong văn miếu Bắc Ninh thờ tất cả các vị Tiến sĩ xứ Kinh Bắc cũng có tên Tiến sĩ Nguyễn Duy Năng.

Trong tộc phả họ Nguyễn Khoa tại làng Ưu Điềm xã Phong Hòa huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế từ thế kỷ 17, 18 đã có ghi chức vụ, hàm tước của Trấn Quốc Đại Tướng Quân Nguyễn Duy Năng kèm theo tên các bà vợ của ngài, tên 5 người con trai, tên cháu chắt của ngài.

Ngài có để lại một tráp bằng gỗ quý trong đó đựng bảng vàng công tích do vua ban khi về hưu, một đạo sắc gốc do vua Lê Thế Tông ban phong hàm tước: Tiên Tiến Trấn Quốc Đại Tướng Quân Văn Hiển Nam và 4 đạo sắc vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức gia tặng Thụy hiệu cho ngài. Họ đã bảo quản được 389 năm, năm 1985 nhà ông trưởng họ bị bão lụt, bằng sắc Đại Tướng Quân do ông giữ bị ướt sũng, ông đã tự động đốt hết, riêng bảng vàng công tích đã mất từ thời Tự Đức cũng do một vị đời thứ 10 trong họ làm mất. Nay còn lại được 5 bản sao đạo sắc do các vua ban, chép lại từ năm 1919 thời Khải Định (trong gia phả GP3-1919).

Gần đây danh vị của ngài Tiến sĩ Nguyễn Duy Năng đã được đưa vào sách địa chí tỉnh Thừa Thiên – Huế, địa chí huyện Phong Điền, địa chí thành phố Bắc Giang. Một con đường tại thị trấn huyện Phong Điền đã mang tên “đường Nguyễn Duy Năng”.

Vấn đề truyền nối dòng dõi của Tổ Nguyễn Duy Năng đã diễn ra như sau: Ngài có 5 người con trai (các đời trên của ngài toàn là con một).

– Con cả: Nguyễn Duy Liêm sinh năm Mậu Ngọ – 1558, làm quan thăng dần lên tới chức Ký Lục, đứng đầu Ty xá sai thuộc Dinh Bố chính là dinh tiền tiêu luôn đối diện với quân Lê Trịnh, ngài phục vụ 3 triều chúa Nguyễn: Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Lan. Nguyễn Duy Liêm được ban tước Văn Toàn Bá. Trong trận quân Trịnh đánh úp vào châu Nam Bố Chính năm 1643, Nguyễn Duy Liêm bị quân Trịnh bắt mất tích.

Dòng ngài Nguyễn Duy Liêm truyền nối đến ngày nay nhưng dân số ít ỏi nhất trong Họ.

– Con thứ 2: Nguyễn Duy Trực sinh năm Đinh Sửu – 1577. Dòng ngài truyền nối chỉ được 2 đời là hết.

– Con thứ 3: Nguyễn Duy Cần sinh năm Canh Tý – 1600. Dòng ngài đã truyền nối đến ngày nay. Là dòng nhánh đông nhất trong họ Nguyễn Khoa.

– Con thứ 4: Nguyễn Duy Thiên sinh năm Quý Mão – 1603. Ngài làm cai tổng được thưởng tước Uy Vũ Tử. Dòng ngài truyền nối đến ngày nay rất đông đúc, đứng thứ 2 dân số của họ Nguyễn Khoa.

– Con thứ 5: Nguyễn Duy Thằng sinh năm Ất Tỵ – 1605. Dòng ngài chỉ truyền nối được 1 đời là hết vì toàn con gái. Như vậy họ Nguyễn Duy xưa sau đổi là họ Nguyễn Khoa chỉ còn 3 nhánh: 1, 3, 4. Là họ đông nhất trong làng Ưu Điềm xã Phong Hòa huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Lịch sử hình thành dòng tộc Nguyễn Khoa tại Ưu Điềm đã trải qua trên 500 năm (1500 – 2014), nếu kể từ đời Thượng Tổ Nguyễn Duy Năng đến nay (1533 – 2014) là đã 481 năm.

Tỉnh Bắc Giang vẫn ghi nhớ ngài Nguyễn Duy Năng là một vị Tiến sĩ của tỉnh nhà thời Mạc. Thành phố Bắc Giang và xã Tân Tiến, xã Dĩnh Kế vẫn tôn vinh ngài là một vị tiên hiền. Nhân dân xã Dĩnh Uyên cũ vẫn tự hào xã nhà xưa có một vị Tiến sĩ.

 

VIII. LỜI KẾT VỀ SỰ TÍCH THƯỢNG TỔ NGUYỄN DUY NĂNG

 

Hậu duệ họ Nguyễn Khoa tự hào về Thượng tổ Nguyễn Duy Năng – một vị Tiến sĩ từ thời Lê-Mạc – một ông quan Thừa chính sứ, một ông quan khuyến nông đã giúp Nguyễn Hoàng phát triển mạnh kinh tế nông nghiệp ở vùng Thuận Quảng từ cuối thế kỷ 16 – một viên tướng đã giúp Tổng Trấn Tướng quân Nguyễn Hoàng bảo vệ vững chắc vùng biên cương phía Nam thời Lê-Mạc – một vị tướng đã được vua Lê Thế Tông phong hàm tước: Tiên Tiến Trấn Quốc Đại Tướng Quân – Văn Hiển Nam – một người đã được vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức gia tặng Thụy hiệu: Quả Nghị Tráng Liệt Uất Tích Phương Huân Quang ý Trung đẳng thần, và giao cho xã Ưu Điềm thờ phụng ngài mãi mãi tại miếu công thần.

Ngài Nguyễn Duy Năng là tấm gương sáng về ý chí hy sinh vượt mọi khó khăn để đạt được ý nguyện tự tiến thân trên con đường thi cử, quyết tâm đạt cho được đỉnh cao trí tuệ đương thời  vì hạnh phúc gia đình, vì giúp ích cho đất nước. Ngài là người đại hiếu thảo, khi về già còn dốc sức lo di dời mộ cố vải từ Bắc vào quê mới, lo cho tương lai dòng tộc để có hậu duệ sum vầy ngày nay.

Ngài luôn ủng hộ xu thế và nhân tố tiến bộ đương thời vì lợi ích đất nước, điển hình là ủng hộ Nguyễn Hoàng – một con người mở đầu cho sự phồn vinh ở đất phương Nam và mở rộng lãnh thổ quốc gia đến tận Hà Tiên do con cháu ông thực hiện.

Hậu duệ nguyện noi theo người làm tròn đạo hiếu, học tập tốt, đoàn kết gia tộc phụng sự tổ tiên, phụng sự Tổ quốc, luôn nhớ tới cội nguồn xã Trình Uyên huyện Phượng Nhởn xứ Kinh Bắc, nay các làng xã trên đã thuộc thành phố Bắc Giang – nơi phát sinh dòng tộc, nơi đã đùm bọc ngài Nguyễn Duy Năng những năm tháng học hành thi cử thành tài trên đất Bắc.

Ngày 30/5/2014

 Người chấp bút

Nguyễn Khoa Hiệt

Đời thứ 13, sinh năm 1929

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

– Tộc phả Họ Nguyễn Khoa – TP1794 – Nguyễn Địa Quan chép (Hán).

– Tộc phả Họ Nguyễn Khoa – TP1909 – Nguyễn Duy Tố chép (Hán).

– Gia phả nhánh 3 Họ Nguyễn Khoa – GP1919 – Nguyễn Khoa Bạch chủ chút (Hán).

– Tộc phả Họ Nguyễn Khoa – TP1995 – Nguyễn Khoa Hiệt biên soạn (Quốc ngữ).

(dịch các bản phả chữ Hán do ông Trần Bá Chí, PGS. Chủ nhiệm khoa sử trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, ông TS. Nguyễn Minh Tường, viện sử học Việt Nam và bà cử nhân Dương Thị The viện Hán Nôm)

– Đại Việt sử ký toàn thư – Ngô Sỹ Liên.

– Đại Nam thực lục tiền biên – Quốc sử quán triều Nguyễn.

– Lê Quý Đôn toàn tập.

– Lịch triều hiến chương loại chí – Phan Huy Chú.

– Ô Châu cận lục – Dương Văn An.

– Đăng Khoa lục tại viện Hán Nôm và tại Quốc Tử Giám, Hà Nội.

– Từ điển chức quan Việt Nam – Đỗ Văn Ninh.

– Các nhà khoa bảng Việt Nam – Ngô Đức Thọ.

– Đại Việt thông sử – Lê Quý Đôn.

– Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim.

– Thế thứ các triều vua Việt Nam – Nguyễn Khắc Thuần.

– Các triều đại Việt Nam – Quỳnh cư Đỗ Đức Hùng.

– Nam triều công nghiệp diễn chí – Nguyễn Khoa Chiêm.

– Gia phả Họ Nguyễn Khoa ở Huế.

– Trích yếu châu bản triều Nguyễn, thời Thiệu Trị, Tự Đức tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I.

– Địa chí Thừa Thiên Huế – UBND tỉnh Thừa Thiên (nhiều tác giả).

– Địa chí huyện Phong Điền – UBND huyện Phong Điền (nhiều tác giả).

– Địa chí thành phố Bắc Giang – UBND thành phố Bắc Giang (nhiều tác giả).

– Khảo sát thực địa tại xã Trình Uyên, huyện Phượng Nhởn xưa (tiếp xúc với Sở văn hóa Hà Bắc, bảo tàng Hà Bắc, tiếp cận các di tích liên quan, tiếp xúc các vị lão thành am hiểu lịch sử làng xưa, các chuyên viên lịch sử Khổng Đức Thiêm và Nguyễn Xuân Cần)

– Biên bản kết luận hội thảo khoa học về tiểu sử Đại Tướng Quân Nguyễn Duy Năng do ban chức sắc họ Nguyễn Khoa tổ chức vào ngày 30-3-2014, có 30 nhà trí thức và các vị lão thành nội tộc tham dự.

 

 

 


[1]() Quê cũ đời cha ông tức quê gốc của Nguyễn Duy Năng triều đình vua Lê Thế Tông có ghi trong bảng vàng công tích của Nguyễn Duy Năng. Xã Ưu Điềm có ghi chép lại vào sổ bộ làng xã để phục vụ việc viết văn sớ khi cúng tế do xã Ưu Điềm đảm nhiệm, ngoài ra còn để viết thần chủ bằng hàng mã để tế làng tại đình Trung hàng năm, cúng tế xong lại đốt.

Quê gốc còn được chính Nguyễn Duy Năng ghi trong lý lịch đi thi tiến sĩ với triều Mạc, sách Đăng Khoa lục còn ghi chép lại rõ ràng là xã Trình Uyên, huyện Phượng Nhởn.

[2]() Xem sách Đ.V.S.K.T.T nhà xuất bản VH Hà Nội 2003, các trang 57, 77, 130, 137 cuốn 3.

[3](3) Tộc phả họ Nguyễn Khoa từ thế kỷ 17, 18 có ghi năm sinh con cả và chắt nội của ngài Nguyễn Duy Năng. Tính theo phương pháp khoa lịch sử thì biết rằng ngài Nguyễn Duy Năng sinh năm Quý Tỵ – 1533. Họ tìm được một tư liệu khác vô cùng quý và khách quan đó là sách Đăng Khoa Lục chép lại tư liệu từ triều đình Mạc cho biết ngài Nguyễn Duy Năng đỗ tiến sĩ năm 41 tuổi tại khóa thi mùa xuân năm Giáp Tuất – 1574 Mạc Sùng Khang 9. Đối chiếu với tộc phả Họ thì hoàn toàn khớp tức ngài sinh năm Quý Tỵ – 1533. Nhưng sách Đăng Khoa Lục không nói rõ 41 tuổi là tính theo tuổi “mụ” hay tính tuổi tròn. Nếu 41 tuổi đã nói là tuổi mụ thì ngài sinh năm Giáp Ngọ – 1534, nếu tuổi tròn thì ngài sinh Quý Tỵ – 1533. Việc chênh nhau 1 tuổi là do ta không biết rõ cách đây 440 năm (2014 – 1574) người xưa không nói rõ tính theo tuổi mụ hay tính tròn. Nhưng nhận thấy năm Quý Tỵ – 1533 là hoàn toàn khớp giữa gia phả và sách Đăng Khoa Lục nên đề nghị thống nhất chọn: “Ngài Nguyễn Duy Năng sinh năm Quý Tỵ – 1533”.

[4]() 10 kỳ thi trên có trong sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – xem theo các năm đã viết.

[5]() Xem Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1, XB 1977 trang 45.

[6]() Xem bản phô-tô sách ĐKL tại Văn Miếu, trang cuối.

[7]() Là viên quan phụ trách Hộ khẩu, dân sự, thuế tiền thóc, xử kiện… là 1 trong 3 viên quan đứng đầu một xứ.

[8]() Xã Ưu Đàm nay phải nói Ưu Điềm để kiêng húy vua Lê Duy Đàm tức Lê Thế Tông. Huyện Kim Trà nay đổi Hương Trà kiêng húy tên thân phụ Nguyễn Hoàng là Nguyễn Kim.

[9]() 5 ngôi mộ gồm mộ ông bà cao tổ Nguyễn Cán, mộ ông bà cố Nguyễn Đức Hinh và mộ ông cố chú. Hiện nay tại quê mới, mộ ông bà cao tổ, mộ ông bà cố là song táng, mộ ông cố chú đơn táng.

Bình luận nhanh bằng tài khoản Facebook

comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *