Ảnh: Nguyễn Khoa Hồng Vân
Ngày 21 tháng 02 năm 2013
Kính gửi: Toàn thể bà con, con cháu dâu rể nội ngoại
Lời đầu tiên cho phép tôi thay mặt gia tộc họ Đoàn làng Ưu Điềm kính chúc đến quý bà con, con cháu nội ngoại năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý.
Kính thưa bà con, năm 2012 vừa qua được sự đồng tâm hiệp lực của bà con họ tộc, họ Đoàn chúng ta đã xây dựng hoàn thành ngôi Từ Đường. Mặc dù kinh tế xã hội năm qua nói chung không được thuận lợi nhưng với sự quyết tâm của tất cả con cháu hướng tâm về cội nguồn với đạo lý ” uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Ban vận động đã nhận được sự quan tâm của bà con sinh sống ở mọi miền đất nước và nước ngoài gửi về bằng tấm lòng chân thành xây dựng ngôi nhà thờ khang trang kiên cố. Kinh phí ước khoảng: 1,2 tỷ đồng gồm các hạng mục như: Nhà Hậu Điện Bệ Thờ, Tiền Đường, Sân Thượng, La Thành, Bình Phong, Sân Hạ,…
Kính thưa toàn thể bà con,
Ngày mồng 6 Tết Quý Tỵ vừa qua Họ làm lễ tiễn đưa ông bà, kết hợp buổi họp mặt đầu năm để bàn bạc việc tổ chức đại lễ khánh thành, đại lễ cầu siêu hiệp kỵ.
Tổ tiên đã có công khai canh mở cõi và gây dựng cơ nghiệp tại làng Ưu Điềm, và đã truyền cho đến nay là thế hệ thứ 28.
Qua phiên họp, Họ đã thống nhất thỉnh các vị Cao Tăng hàng Giáo Phẩm Chứng Minh Tỉnh giáo Hội Phật Giáo Thừa Thiên Huế lập đàn tràng cầu nguyện Đại lễ khánh thành, Đại lễ cầu siêu hiệp kỵ. Chẩn Tế Âm Linh cô hồn, giải oan Bạt Độ vào 2 ngày 28, 29 tháng 04 năm 2013 (nhằm ngày 19 và 20 tháng 3 năm Quý Tỵ).
Trước là đền đáp truy niệm ân đức của Tổ tiên nhiều đời, tiếp đến là truy tiến các Ngài thuộc các nhánh trải qua nhiều cuộc chiến tranh, thiên tai nạn đói năm 1945 và nhiều chư vị đã quá cố qua các thời kỳ. Ban tổ chức Họ tộc chuyển gia phả đến thầy Công Văn truy cập biên sọan tên tuổi vào văn sớ, bài vị cho toàn Họ để cầu nguyện.
Đối với các gia đình có người thân mất sau khi làm xong gia phả hoặc thiếu tên tuổi trong gia phả ở các nhánh, mong quý bà con liên lạc để gửi về tại trưởng nhánh hay ban tổ chức Đại lễ kịp thời bổ sung tên tuổi vào văn sớ, bài vị cho Thầy công văn tổng hợp.
- Thời gian từ ngày rằm tháng giêng cho đến rằm tháng hai (năm Quý Tỵ)
- Kinh phí dự trù :
* Đại lễ : 200.000.000 đ
( Chi phí cho nghi lễ và dọn tiệc mừng)
– Dự trù: 350 trưởng nam x 300.000đ: 105.000.000đ
– Sư cô An Thuần (con ông Đòan văn Cò): 25.000.000đ
– Vận động từ con cháu nội ngoại: 70.000.000đ
Kính thưa quý bà con,
Đây là một việc làm hết sức ý nghĩa về mặt tâm linh từ trước đến nay các bậc cha ông rất mong ước.
Hôm nay với sự hướng tâm của con cháu nội ngoại nhất tâm cầu nguyện công việc tổ chức Đại lễ của Họ tộc được thành công tốt đẹp.
Ban tổ chức rất mong được sự góp ý cho việc tổ chức Đại lễ.
Kính mong sự hướng tâm của con cháu nội ngoại về tinh thần vật chất, cũng như lập danh sách kịp thời, hổ trợ quý Thầy và ban tổ chức trong buổi lễ cầu nguyện, cầu siêu cho tất cả các vị hương linh quá cố.
Xin gửi thông tin về sớm cho ban tổ chức theo thời gian nói trên.
Ngưỡng nguyện Ơn Trên Tổ Tiên gia hộ cho quý bà con, con cháu nội ngoại dâu rể, sức khỏe dồi dào, mọi sự hanh thông, làm ăn phát đạt và sắp xếp công việc về tham dự ngày lễ trọng của Họ tộc.
Rất mong sự quan tâm của quý bà con.
Địa chỉ liên lạc qua bưu điện: Trưởng Ban Vận Động Kinh Phí
ĐOÀN VĂN ĐÍNH Phó Trưởng Ban Tổ Chức Đại Lễ
(Trưởng Ban Vận Động Kinh Phí)
Thôn Tư, Phong Hòa, Phong Điền,
Thừa Thiên Huế
ĐT: 0984.877.024
Tài khoản số: 4001205048595
Ngân hàng NNPTNT Huyện Phong Điền Đoàn Văn Đính
Người Việt Nam họ Đoàn nổi tiếng
Đoàn Thượng (chữ Hán: 段尙, 1184-1228), tướng cuối thời nhà Lý.
Đoàn Nhữ Hài (chữ Hán: 段汝諧, 1280-1335), danh thần nhà Trần.
Đoàn Xuân Lôi (chữ Hán: 段春雷), trạng nguyên thời Trần.
Đoàn Thị Điểm, nữ sĩ thời Hậu Lê.
Đoàn Lệnh Khương, nữ sĩ thời Hậu Lê, cháu ruột Đoàn Thị Điểm.
Đoàn Quý Phi. Thân mẫu của Chúa Hiền (Thái Tông Nguyễn Phước Tần). Trinh Thục Từ Tĩnh Mẫu Duệ Huệ Kính Hiếu Chiêu Hoàng Hậu.
Đoàn Thọ, võ quan triều Nguyễn.
Đoàn Đình Niêu, quan Cửu phẩm tại bộ triều Nguyễn.
Đoàn Hữu Trưng một thủ lĩnh của cuộc nổi dậy nhằm lật đổ vua Tự Đức.
Đoàn Tử Quang, 82 tuổi vẫn nghe lời mẹ đi thi và đỗ cử nhân.
Đoàn Chí Tuân, một thủ lĩnh của phong trao Cần vương.
Đoàn Minh Huyên, tu sĩ Việt Nam.
Đoàn Trần Nghiệp, một trong những người lãnh đạo của Việt Nam Quốc dân đảng.
Đoàn Trọng Truyến, giáo sư, nhà giáo nhân dân của Việt Nam.
Đoàn Chuẩn, nhạc sĩ Việt Nam.
Đoàn Văn Cừ, nhà thơ Việt Nam.
Đoàn Phú Tứ, nhà thơ Việt Nam.
Đoàn Duy Thành, bộ trưởng Bộ công thương Việt Nam.
Đoàn Mạnh Giao, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam.
Đoàn Khuê, bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Đoàn Giỏi, nhà văn Việt Nam.
Thuận Yến, tên thật là Đoàn Hữu Công, nhạc sĩ Việt Nam
Đoàn Bổng, nhạc sĩ Việt Nam
Lê Dung, tên thật là Đoàn Lê Dung, ca sĩ Việt Nam.
Đoàn Minh Tuấn, nhà văn
Thanh Lam, tên thật là Đoàn Thanh Lam, ca sĩ Việt Nam.
Đoàn Minh Xương, huấn luyện viên bóng đá Việt Nam
Đoàn Quốc Cường, huấn luyện viên tenis Việt Nam.
Đoàn Kiến Quốc, vận động viên bóng bàn Việt Nam.
Đoàn Nguyên Đức, doanh nhân Việt Nam.
Đoàn Việt Cường, cầu thủ bóng đá Việt Nam.
Đoàn Xuân Hưng, thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam.
Đoàn Thị Lam Luyến, nhà thơ Việt Nam, có tác phẩm in trong sách giáo khoa.
Người Trung Quốc họ Đoàn nổi tiếng
Đoàn Tùy, vua duy nhất của nước Tây Yên không mang họ Mộ Dung.
Đoàn Nghiệp, vua đầu tiên của nước Bắc Lương.
Đoàn Tù Thiên, tiết độ sứ phủ Giao Châu, Thiện Xiển thuộc Nam Chiếu
Đoàn Thành Thức, nhà văn thời nhà Đường.
Đoàn Tú Thật, danh tướng thời nhà Đường.
Các vua của vương quốc Đại Lý bắt đầu từ Đoàn Tư Bình.
Đoàn Ngọc Tài, học giả thời nhà Thanh.
Đoàn Kỳ Thụy, một Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc đầu thế kỷ 20.
Người họ Đoàn hay Doan quốc gia khác
Catriona LeMay Doan sinh năm 1970, nữ vận động viên trượt băng tốc độ người Canada, 2 lần đoạt huy chường vàng Thế Vận Hội năm 1998 và 2002, 5 lần huy chương vàng Giải vô địch quốc tế, và nhiều giải thưởng quốc tế.
Shane Doan, sinh năm 1976, vận động viên khúc côn cầu trên băng người Canada, 2 lần huy chương vàng Giải vô địch quốc tế
Nhân vật mang họ Đoàn trong tiểu thuyết
Đoàn Dự, nhân vật chính trong tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung.
Đoàn Cảnh Trụ, một trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc.
Một vài nét sơ lược về cuộc đời, sự nghiệp của Ông Đoàn Văn Cự
Đoàn Văn Cự sinh năm Ất Mùi (1835) tại làng Bình An, huyện Bình An, tỉnh Biên Hòa (nay là quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh).
Cha ông là một nhà nho yêu nước, có tinh thần chống Pháp, bị đối phương theo dõi, ông phải rời bỏ Thủ Đức để tha hương. Nối chí cha, Đoàn Văn Cự đến cư ngụ tại một nơi hẻo lánh ở ấp Vĩnh Cửu thuộc xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Biên Hòa xưa (nay thuộc phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) sống bằng nghề dạy học và hốt thuốc, nên được gọi là ông thầy Cự. Nhờ vậy, ông che tai mắt thực dân Pháp được một thời gian, để có thể bí mật tuyên truyền và chiêu tập những người dân có cùng chí hướng.
Được tin tưởng, đông đảo người dân ở các vùng Chợ Đồn, Chợ Chiếu, Bình Đa, Cù lao Phố, Núi Nứa (nay thuộc Bà Rịa)…đã tình nguyện đi theo và ủng hộ ông. Để chuẩn bị cho đại cuộc đánh Pháp, ông Cự chọn vùng Bưng Kiệu (thuộc xã Tam Hiệp) làm căn cứ, tổ chức lượng theo theo lối Thiên Địa Hội (còn gọi là Hội kín), đồng thời cho tích lũy lương thực, mua sắm khí giới, lập lò rèn vũ khí, luyện tập nghĩa quân…
Mọi việc còn đang trong giai đoạn chuẩn bị, thì thực dân Pháp dò la được. Sáng ngày 12 tháng 4 năm 1905, một số lính mã tà (cảnh sát thời Pháp thuộc) [2] do một viên quan ba (đại úy) chỉ huy kéo vào căn cứ Bưng Kiệu. Thừa lúc nghĩa quân canh phòng sơ ý, quân Pháp liền xông thẳng vào ngôi nhà Đoàn Văn Cự đang ở. Trước bàn thờ Tổ, Đoàn Văn Cự trong bộ trang phục uy nghi, vừa thấy viên quan ba dẫn lính vào liền vung đoản đao chém thẳng. Viên quan ba bị thương nhưng kịp rút súng bắn chết ông (thọ 70 tuổi).
Sau khi giết được thủ lĩnh Đoàn Văn Cự, viên quan ba cho lính đốt phá căn cứ, bắn giết và truy đuổi nghĩa quân cho đến ngày hôm sau. Kết cuộc, ngoài Đoàn Văn Cự, còn có thêm 16 nghĩa quân bị hy sinh tại trận. Sau đó, quân Pháp bắt dân làng chôn Đoàn Văn Cự cùng với 16 nghĩa quân vào một hố lớn.
Mộ và đền thờ
Ngôi mộ chung chôn thủ lĩnh Đoàn Văn Cự cùng 16 nghĩa quân, tọa lạc trên khu đất cạnh dòng suối Linh Tuyền (gọi tắt là suối Linh), thuộc phường Long Bình, cách trung tâm thành phố Biên Hòa chừng 8km. Ban đầu, chỉ là một ngôi mộ đơn sơ. Năm 1956, được nhân dân địa phương xây đắp lại nhưng quy mô nhỏ. Trước năm 1975, vì ngôi mộ nằm trong căn cứ quân sự Long Bình, nên người dân không thể đến sửa sang hay thăm viếng, mãi đến 1990 ngôi mộ mới được xây dựng bề thế như hiện nay. Ngôi mộ hiện có hình chữ nhật dài 16,5m, rộng 2m cao 0,75m. Phía sau ngôi mộ là một ngôi miếu nhỏ thờ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh. Khu mộ được bảo vệ bởi hai vòng rào bằng gạch, có cổng ra vào.
Ngôi đình cũng được xây dựng từ năm 1956, cách phần mộ khoảng 1km về hướng Đông Bắc. Đền tọa lạc trên khu đất bằng phẳng, rộng gần 3000m2, thuộc phường Tam Hiệp (thành phố Biên Hòa) trên Quốc lộ 15.
Ngày 8 tháng 4 (âm lịch) hàng năm, nhân dân địa phương đều làm lễ tế trang trọng để tưởng nhớ thủ lĩnh Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa quân.
Mộ và đền thờ Đoàn Văn Cự được Bộ Văn hóa – thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số 722/QĐ-BVHTT ngày 25 tháng 4 năm 1998
Ghi công Đoàn Văn Cự, trước năm 1975, chính quyền tỉnh đã lấy tên ông đặt tên cho một khu cư xá và một con đường nối liền Quốc lộ 1 (nay là Quốc lộ 1A) và đường liên tỉnh 24. Hiện nay, tên ông cũng được dùng để đặt tên cho một con đường ở thành phố Biên Hòa.
Chào bạn, Cám ơn bạn vào thăm Website. Đây là từ đường tộc ĐOÀN VĂN đầu tiên của mười hai cửa họ ở đàng ngoài theo chân Công Chúa Huyền Trân xuôi về Nam khai khẩn ở Châu Ô, Châu Rí. Bạn có thể tìm đọc thêm ở mục SỰ KIỆN để nắm thêm thông tin và biết đâu chừng một ngày nào đó Gia phả họ tộc “Đoàn Văn” Việt Nam ra đời. Chúc gia đình và bạn sức khỏe.