LangUuDiem.Com

Một thoáng Phong Điền

NGUYỄN KHẮC PHÊ

Ghi chép

 

Lâu rồi, tôi mới có dịp trở lại Phong Điền. Nói cho thật đúng thì đây là lần đầu tôi mới có dịp được thấy và hiểu phần nào một vùng đất giàu trầm tích văn hoá ở địa đầu phía Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế, dù đã sống ở Thừa Thiên Huế mấy chục năm Vì sao lại có điều “vô lý” như thế?

Tôi lẩn thẩn tự hỏi và thử tìm lời giải. Vì mình không có điều kiện đi lại hay còn một lẽ nào khác? Liệu có phải vì tỉnh Thừa Thiên Huế không lớn, trong khi tầm ảnh hưởng của Huế ngày càng rộng, điểm du lịch sinh thái quanh Huế càng nhiều – nào nhà-vườn Phú-Mộng-Kim-Long, chợ quê bên Cầu-Ngói-Thanh-Toàn, muốn biết khung cảnh đầm phá thì đã có Cầu Hai… – nên người ta dễ lầm tưởng đã sống ở Huế thì “coi như” đã biết cả Thừa Thiên Huế rồi Và chẳng phải mỗi lần đi ra Hà Nội hay các tỉnh phía Bắc trở về, chỉ cần xe tàu vượt qua cầu Mỹ Chánh, qua ga Phò Trạch là chúng ta lại thốt lên một cách “vô tư” và vui vẻ: “Đến Huế rồi” Quả là không mấy chốc, xe tàu “vèo” một lúc là đã qua cầu An Lỗ, rồi Tứ Hạ, An Hoà và đôi bờ sông Hương lấp lánh ánh điện đã ở trước mắt. Nghĩa là Phong Điền như đã bị “bỏ qua”

 

Hình như các vùng quê, các tỉnh nhỏ nằm cạnh các trung tâm văn hoá, chính trị lớn đều có “số phận” hẩm hiu như vậy. Năm ngoái, trong chuyến đi Miền Tây bộ, ghẻ nghỉ lại Long An, tôi đã có cảm giác như vậy. Người ở các tỉnh lên, “dại” chi mà nghỉ lại Long An, chạy “dấn” một chút là tới Sài Gòn tha hồ chỗ ăn chơi; người “thành phố” đi Miền Tây thì đương nhiên Long An là vùng đất bị “bỏ qua”. Cũng như từ Hà Nội đi miền Tây Bắc, chẳng ai dừng lại Hà Đông làm gì; nếu đi về phía Nam thì Phủ Lý chịu số phận bị “bỏ qua”. Thật đáng tiếc là không ít những vùng đất bị “bỏ qua” hoặc “bỏ quên” như thế lại có cả những kho báu đang dần bị mai một vì thời gian và mưa nắng. Như ở Long An, có một khu nhà cổ gần trăm tuổi, giá trị nghệ thuật cũng đáng gọi là “không nơi nào có được”. Tôi đã viết “vụ” này lên báo “Tuổi trẻ”, không biết những dòng chữ của một kẻ không có thế lực như tôi có giúp chống đỡ những ngôi nhà cổ vô giá sắp bị sụp đổ ấy không?…

 

Tôi lan man một chút để nói một điều: Tuy quan hệ giữa Phong Điền với Huế khác biệt so với các trường hợp vừa nêu, và cho dù mai đây Thừa Thiên Huế trở nên một thành phố trực thuộc Trung ương, dù ngày ngày vẫn gặp “người Phong Điền” tại Huế, thì Phong Điền không thể là một vùng đất bị “bỏ qua”.

 

Hẳn có bạn đã cho tôi nói quá lời. Thực ra, đây chỉ là “cách nói” gợi một vấn đề để cùng suy ngẫm. Làm sao có thể “bỏ quên” một vùng đất như Phong Điền, nhưng quả thực ở đây đã có những con người – là danh nhân của đất nước và những địa chỉ là Di tích Lịch sử văn hoá cấp quốc gia từng bị quên lãng Làng cổ Phước Tích bên sông Ô Lâu đâu phải mới hiện ra như trong thần thoại, vậy mà 34 năm sau ngày đất nước thống nhất, tháng 6 năm 2009 này, Phước Tích mới được đón bằng công nhận Di tích văn hoá Trong sự lãng quên và chậm trễ này, tôi cũng là người có lỗi, dù mình không thuộc ngành văn hoá. Mười bốn năm trước, trong một cuốn sách tôi đã “chạm” đến làng Phước Tích, nhưng rồi bỏ qua.

 

Đó là khi tôi nhắc đến đôi câu đối trước mộ cụ Lê Văn Miến: “Phước Tích phong long thiên tướng cát / Trường An song uất địa chung linh.” (Có nghĩa là: “Làng Phước Tích đẹp tươi, trời giúp người tốt / Xóm Trường An sầm uất, đất đúc khí thiêng”). Tôi chỉ ghi lại như vậy, chứ đáng lẽ phải tìm về với làng “Phước Tích đẹp tươi” từ ngày ấy. Phải Nơi đó, “đất đúc khí thiêng”, nên một hoạ sĩ, một thầy giáo danh tiếng, thông thạo văn hoá Đông-Tây như Lê Văn Miến mới chọn “ấp Trường An” bên dòng Ô Lâu làm nơi an nghỉ cuối đời.

 

Cũng chính trong cuốn sách viết về danh nhân Lê Văn Miến (“Lê Văn Miến – người hoạ sĩ đầu tiên, người thầy đầu tiên” – NXB Thuận Hoá, 1995), tôi đã nói đến sự “lãng quên” của hậu thế đối với một danh nhân: “…Đằng này, cụ nằm lại lặng lẽ tại một vùng quê hẻo lánh, xa phố phường, suốt mấy chục năm chỉ biết có chiến tranh và bom đạn… Và suốt mấy chục năm, một cuộc đời như thế hầu như đã bị lãng quên” (Sách đã dẫn – trang 83) Sự “lãng quên” như thế là có nguyên nhân (tuy không tiện nói hết) nhưng không thể có cách nói khác. Cuốn sách đã được Uỷ ban toàn quốc các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tặng thưởng, được các nhà xuất bản Thanh Niên, Giáo dục, Kim Đồng in lại nhưng khi gặp không ít bạn thuộc loại người “có chữ”, họ vẫn không biết Lê Văn Miến là ai, nên xin phép được nhắc qua: cụ Lê Văn Miến (1874-1943) là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Paris, là hoạ sĩ đầu tiên ở Việt Nam đã vẽ những bức tranh sơn dầu bằng chất liệu màu dầu châu Âu, trong đó có bức “Bình văn” nổi tiếng hiện trưng bày trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; đặc biệt, cụ còn là thầy giáo của Nguyễn Tất Thành khi dạy ở Quốc học Huế và sau đó là Tế tửu Quốc Tử Giám (một chức vị tương tự như Viện trưởng Đại học Quốc gia ngày nay)… Một con người như vậy đã lặng lẽ nằm bên dòng Ô Lâu hầu như không ai biết đến, suốt hơn nửa thế kỷ, kể từ năm 1943; cho đến những năm gần đây mảnh đất ấy mới được công nhận là Di tích văn hoá và một con đường ở Huế đã mang tên Cụ.

 

Cách đây mấy năm, vào ngày giỗ của hoạ sĩ Lê Văn Miến, tôi mới có dịp đi dọc bờ sông Ô Lâu tới ấp Trường An thuộc làng Phước Tích cùng với gia đình ông Lê Văn Yên để viếng mộ Cụ. (“Ấp Trường An” là địa danh ghi trên tấm bia trước sanh phần cụ Miến, được lập từ năm 1940, chứ bây giờ có mấy ai nhắc tên cũ ấy nữa.) Ngày đó, lối mòn lên ngôi mộ còn um tùm cây dại, cả con đường hẹp ven dòng Ô Lâu cũng luôn chìm khuất dưới những tán cây, nên ấn tượng bao trùm lên chuyến đi vẫn là một nỗi buồn hiu hắt trước một vùng đất bị bỏ quên

 

Lần này, tôi trở lại Phong Điền vào dịp về dự Trại Sáng tác Văn học nghệ thuật tại Khu nghỉ dưỡng “Thanh Tân” có suối nước nóng nổi tiếng. Chỉ riêng những đổi mới, đa dạng hoá các dịch vụ và mở rộng quy mô của Khu nghỉ dưỡng Thanh Tân với các phòng lưu trú trang bị sang trọng dành cho “VIP”, nhà sàn dành cho đoàn tập thể, hồ tắm đôi có hương liệu, phòng mát-xa bấm huyệt, các nhà hàng ăn uống Phong Lan, Hoa Sữa, với cả trại nuôi hươu sao và những vườn cây im mát thoảng tiếng nhạc cổ điển từ một chiếc loa bên lối đi dưới làn bụi nước như sương, như khói toả ra từ hệ thống ống dẫn trên cao làm dịu cả nắng gắt trưa hè… đã đủ làm những ai lâu nay “bỏ quên” Phong Điền phải ngạc nhiên. Thanh Tân chính là bài học về cách khai thác tiềm năng một vùng đất, một báu vật từng bị bỏ quên. Suối nước nóng ở đây đã có tự ngàn vạn năm trước, nhưng xã Phong Sơn – nơi Thanh Tân đứng chân – một xã kiên cường trong chống Mỹ, sau giải phóng vẫn chỉ là một vùng quê thiếu thốn, đất đai bạc màu, khô cạn. Nhắc đến Phong Sơn, lại nhớ bài bút ký của nhà văn Nguyễn Quang Hà “Luận chứng một tâm hồn đa cảm” đăng trên Tạp chí “Sông Hương” từ năm 1986 gây xôn xao dư luận một thời vì dám nói sự thật, không vừa lòng cấp huyện… Hôm nay, Nguyễn Quang Hà cùng trở lại Phong Sơn – Thanh Tân với chúng tôi.

 

Người chiến binh từng bám trụ ở đây từ năm 1966, không quên cảnh “…xe tăng gầm rú dẫn quân tràn về Phong Sơn, gặp nhà đốt nhà, gặp trâu bắn trâu, gặp hầm đốt hầm. Trực thăng đuổi theo từng con trâu tháo chạy trên đồng bắn gục. Cả một góc trời ngùn ngụt lửa khói…Đêm, B.57, B.52 dội bom xuống Phong Sơn. Ngày máy ủi về cày tung từng viên gạch…”, và từng đau xót khi một chị “cơ sở” cũ “ôm lấy vai” anh oà khóc, trách móc sự quên lãng: “Đến tên chị, mi còn quên. Hèn chi người ta quên Phong Sơn là phải. Bây chừ người ta đi một bước có xe. Làm răng còn nhớ lúc nằm bờ ngủ bụi chờ dân Phong Sơn này lén lút đem tới cho từng vắt cơm…”; đó là ngày anh về lấy tư liệu viết “Luận chứng…”. Hơn hai mươi năm đã qua Bây giờ, hẳn không có ai viết về Phong Sơn đổi mới sâu sắc bằng Nguyễn Quang Hà. Tôi chỉ nhìn thoáng qua những căn nhà mới, ngôi trường mới, nhà thờ họ mới và cả nhà thờ Thiên chúa giáo đang dựng hai bên đường vào Thanh Tân, cũng đã thấy Phong Sơn không ngừng đổi sắc thay da. Và thật là thú vị, sau xứ đạo Thanh Tân, bên những cột điện cao thế chọc trời dằng dịt sắt thép, đàn cò trắng hàng mấy trăm con thản nhiên quần tụ đùa dỡn trên cánh đồng vừa gặt xong tràn trề nước từ hồ thủy lợi Khe Quao chảy về. Lại nhớ bài ký “Luận chứng…” của Nguyễn Quang Hà bày tỏ nỗi khát khao khi đứng trước cánh đồng Phong Sơn khô cạn hơn hai chục năm trước. Nay, tuy Phong Sơn vẫn là một xã nghèo của Phong Điền, nhưng tôi đã thấy, cũng bên dòng kênh dẫn nước từ Khe Quao về, những chiếc Hon-đa vừa chở nông dân ra chạy máy MTZ cày bừa trên ruộng.

 

Vậy là Phong Sơn đã không còn bị quên lãng. Và Phong Điền đâu chỉ có Phong Sơn và Thanh Tân. Với sự giúp đỡ của Ủy ban Nhân dân huyện, chúng tôi đã có một ngày dạo quanh Phong Điền thật thú vị. Từ thị trấn huyện, vượt qua vùng đất cát trắng tinh của xã Phong Chương, Phong Hòa – nơi từng có dự án xây dựng cụm công nghiệp Thủy tinh Silicat Trằm Thiềm – nay có những “núi cát” vừa được vun cao chuẩn bị xuất khẩu, chúng tôi qua cầu Hòa Xuân (thuộc xã Điền Lộc) ra đập Cửa Lác lên thuyền dạo quanh phá Tam Giang. Con đường này, cùng với cầu Hòa Xuân và đập Cửa Lác đều là những công trình xây dựng sau ngày quê hương được giải phóng. Anh em chúng tôi đã có nhiều dịp đi về vùng đầm phá – nhất là nhà văn Hồng Nhu, từng có những truyện ngắn thấm đẫm phong vị đầm phá – nhưng mỗi lần cưỡi thuyền trên vùng nước mênh mông “trời cho” với đáy lưới dăng hàng tạo nên vô vàn đường kẻ thật ngọan mục giữa thiên nhiên yên ả, lòng vẫn thấy rung động và cả như ngơ ngác trước những kỳ bí của tạo hóa – một cảm giác thôi thúc khám phá và sáng tạo.

 

Chuyến đi càng thú vị vì may mắn có người dẫn đường là anh Nguyễn Thế, một nhà nghiên cứu văn học dân gian thầm lặng mà không kém uyên thâm, từng được giáo sư Phan Huy Lê tặng danh hiệu là “nhà địa phương học”. Có thể nói anh thuộc mỗi tấc đất ở Phong Điền và mỗi làng quê ở đây anh đều có người quen. Trong buổi dạo phá Tam Giang, anh đã cho thuyền ghé lại một nhà-chồ – “đặc sản” về cách cư trú của dân đầm phá, nay đã thành của hiếm, do hầu hết đã bị tháo dỡ sau cơn bão lịch sử 10 năm trước, nhằm đảm bảo tính mạng cho người dân. Chủ nhân ngôi nhà-chồ này là ông Phan Trai, người quen của anh Thế đã đành, nhưng thật bất ngờ, ông đã đón chúng tôi như những người thân. Thì ra ông Trai là thân phụ của nhà thơ trẻ Phan Trung Thành, hiện sống ở TP. Hồ Chí Minh. Anh từng đạt giải trong cuộc thi thơ do Tạp Chí Sông Hương tổ chức 6 năm trước. Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch, nguyên Tổng biên tập “Sông Hương” hồi ấy, nay hàng ngày ăn chay, ngồi thiền – thiền ngay cả trên chiếc thuyền đang nổ máy ầm ĩ rẽ sóng nước Tam Giang và ít khi lên tiếng trong chuyến đi, nay mỉm cười một cách thú vị khi thấy tên mình ký dưới bằng chứng nhận giải thưởng thơ “Sông Hương” của nhà thơ trẻ “lớn lên từ sông, úp mặt từ sông / Nước khát khao tìm về biển cả” (thơ Phan Trung Thành).

 

Trưa, trong làn gió nồm từ biển thổi vào mát rượi, chúng tôi dừng chân trong một nhà hàng dân dã cũa xã Điền Hòa. Bữa ăn báo đột xuất, nhưng trên chiếc bàn dài, thịt đầy bát, cá tràn đĩa, cũng đáng gọi là “mâm cỗ” của làng quê. Có điều, ở ngay cạnh phá Tam Giang mà lại ăn cá ngừ nồng đậm vị biển thì cũng… uổng Chợt nghĩ: Giá như có một nhà-chồ dựng ngay giữa phá Tam Giang – tất nhiên là phải dựng trên những hàng cột bê tông vững chãi đủ sức chống bão lũ – cho du khách hóng gió, ngắm trời-mây-nước liền một dải, nhắm tôm cá nước lợ vớt lên tươi rói với chén rượu đế thì chắc là thú vị hơn nhiều. Lại chợt nghĩ: Bỏ tiền tỷ dựng một cái nhà-chồ như thế, nhưng quanh vùng nếu không có gì thu hút du khách thì nhà-chồ ấy sẽ đón tiếp ai? Lại nghe nói, kiểu đánh bắt bằng điện và loại lưới đan dày tít nhập từ nước ngoài đã tận diệt mọi thứ tôm cá – kể cả những con bằng móng tay. Cũng như lúc đi qua vùng cát trắng tinh khiết có thể làm nên thủy tinh cấp cao, pha-lê, đang phải bán nguyên liệu thô cho “thiên hạ”, nay ngồi bên của “trời cho” mà không được hưởng, kể cũng xót xa. Chỉ thầm nghĩ vậy thôi; ước vọng của những kẻ “cưỡi ngựa xem hoa” nhiều khi là ảo tưởng; hơn nữa, làm ăn thời buổi cạnh tranh này đâu dễ. (Nghe nói, trước đây Phong Điền có dự án trồng mía, xây nhà máy đường tốn bao nhiêu tiền của, nhưng rồi đã mất trắng)

 

Cho dù vậy, và cho dù chỉ qua một ngày “cưỡi ngựa xem hoa”, tôi đã hình dung Phong Điền còn nhiều thứ “của cải” không thể mất, còn nhiều nơi có sức níu chân du khách. Trên đường trở lại Thanh Tân dọc theo tỉnh lộ 49B men theo bờ sông Ô Lâu, lần đầu tôi được thấy tận mắt Phong Điền không chỉ có vùng đồi núi mênh mông với chiến khu Hòa Mỹ nổi tiếng từng được nhà văn Phùng Quán dựng lại trong tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội”, mà còn có những cánh đồng “thẳng cánh cò bay” của các xã Phong Chương, Phong Bình và vùng “Ngũ Điền”. Lúa Đông-Xuân vừa gặt xong, thóc vàng quần tụ đón nắng trên các sân phơi và hiên nhà. Vượt lên những chân rạ, con đập Đông Tây Ô Lâu vừa hình thành sẽ ngăn mặn cho vựa lúa chủ yếu của Phong Điền…

 

Tự tin, vững vàng trước một cuộc sống no đủ – “có thực mới vực được đạo” – Phong Điền đã và đang tìm về những giá trị truyền thống của quê hương, khai quật những trầm tích văn hóa, phục sinh những làng nghề nổi tiếng. Chỉ trên một đoạn đường 49B dọc theo sông Ô Lâu, những địa chỉ văn hóa hiện ra liên tục theo cánh tay hướng dẫn của anh Nguyễn Thế.

 

Đây là làng Kế Môn, có ông tổ nghề kim hoàn Cao Đình Độ. Các sản phẩm vàng bạc như trâm cài, hoa tai, vòng xuyến… được sử dụng ở kinh đô Huế trước đây chủ yếu do những tay thợ tài hoa ở Kế Môn tạo nên. Nghệ nhân làng Kế Môn nay sinh sống ở nhiều đô thị miền Nam, thời vàng son của làng Kế Môn nay vang bóng trong những ngôi nhà thờ vừa được tôn tạo khoe màu rực rỡ giữa làng quê.

 

Đây là mộ Trần Văn Kỷ ở làng Vân Trình (Phong Bình) – người được vua Quang Trung tin dùng như một quân sư, được phong chức “Trung thư phụng chính”. Một ngôi trường phổ thông trung học ba tầng khang trang tươi màu vôi mới ở trong xã đã mang tên ông.

 

Còn đây là làng Mỹ Xuyên (xã Phong Hòa) chuyên nghề chạm khắc, từ giữa thế kỷ 19, những nghệ nhân Mỹ Xuyên đã để lại những dấu ấn đặc sắc trong cung điện, dinh thự ở Huế.

 

Và đây nữa, làng cổ Phước Tích, nơi còn hai chục ngôi nhà rường trăm tuổi, có cây thị 500 tuổi, không biết đã buông bao nhiêu quả vàng thơm cho những “cô Tấm” bên dòng Ô Lâu, nhưng từng lam nên “sự tích” che giấu các chiến sĩ cách mạng trong “bộng” giữa thân mình. Nơi đây, những người thợ gốm trẻ đang khẩn trương hoàn thành hàng loạt sản phẩm gốm nghệ thuật với đủ loại hình dáng để kịp chào mừng ngày Phước Tích đón nhận bằng “Di tích” sắp tới…

 

Anh Nguyến Thế tỏ ý tiếc là chưa có điều kiện đưa chúng tôi về thăm các di tích văn hóa Chàm ở Tháp Champa Vân Trạch Hòa và ở chùa Ưu Điềm, thăm nhà thờ Tháp Đôi ở Thánh Hương, một công trình kiến trúc gô-tích khá đẹp; cũng chưa được dừng chân thắp hương ở nhà thờ danh tướng Nguyễn Tri Phương (Phong Chương)…

 

Vậy là lòng chưa thỏa. Chỉ là một thoáng Phong Điền thôi mà Chưa thỏa thì còn háo hức, những địa chỉ văn hóa đặc sắc ở Phong Điền chưa được biết sẽ là lời nhắc nhở du khách quay lại.

 

Phải Dễ gì hiểu hết được một vùng đất rộng gần một ngàn km2 – rộng hơn cả nước Xinh-ga-po, lại có đủ hình thái núi đồi, đồng bằng, đầm phá, sông biển; quan trọng hơn, đây là vùng đất nằm giữa hai con sông Ô Lâu và sông Bồ, nơi dừng chân của nhiều lớp dân cư trong nhiều thế kỷ khi người Việt mở cõi về phương Nam, nên đây cũng là quê hương, là nơi lập nghiệp của nhiều người con ưu tú của dân tộc – những danh nhân của đất nước. Phong Điền đâu chỉ có Trần Văn Kỷ, Nguyễn Tri Phương và những nghệ nhân ở Kế Môn, Mỹ Xuyên, Phước Tích. Ông tổ của ngành nhiếp ảnh Việt Nam – nhà văn hóa Đặng Huy Trứ, quê gốc và phần mộ đều ở Hiền Sĩ. Ông đã từng dạy học và mở trường ở Ưu Điềm và Mỹ Xuyên. Cả nhà thơ tài danh Hàn Mặc Tử cũng có thời ở xứ đạo Thanh Tân, nên có bút danh “Lệ Thanh” (ghép nơi sinh Lệ Mỹ -Đồng Hới- và nơi ông nội lập nghiệp ở Thanh Tân.) Rồi Nguyễn Lộ Trạch quê làng Kế Môn, nhà cách tân từng dâng lên triều đình Huế “Thời vụ sách thượng” và đặc biệt là “Thời vụ sách hạ”, trình bày 5 kế sách làm cho đất nước giàu mạnh: Dựa vào địa thế hiểm yếu để giữ nước; Lập đồn điền và mở rộng thông thương để tích lũy tiền của; huấn luyện binh lính, quan hệ ngoại giao để nhờ các nước ủng hộ; chọn người giỏi gửi ra nước ngoài học tập kỹ thuật. ()Bản điều trần viết từ hơn một thế kỷ trước mà vẫn nóng hổi tính thời sự…

 

Một vùng đất như thế, những con người như thế – chỉ có kẻ dại khờ như tôi mới “bỏ qua”.

 

Chiều, chúng tôi trở lại Thanh Tân vào lúc Phòng tiếp tân chộn rộn đón đoàn khách từ Cần Thơ ghé lại tắm nước nóng và nghỉ đêm ở đây. Thì ra “thiên hạ” nhiều người “khôn” hơn tôi. Nhà văn Hà Khánh Linh, người con của làng Ưu Điềm, một tay líu ríu với đứa cháu nội lên ba, nhưng vẫn không ngừng viết và hăng hái đi “thực tế” cũng vừa cho tôi biết: Con gái và cháu ngoại của chị ở Hà Nội, mỗi lần về Huế, vẫn thường ghé nghỉ lại Thanh Tân. Phải “Dại” chi mà chạy vội vào Huế; nghỉ lại Thanh Tân tắm suối nước nóng cho sạch bụi đường trường, thưởng ngoạn bầu không gian trong lành giữa ngàn cây lá, gửi hồn mình theo tiếng chim cu gáy, tiếng bìm bịp đâu đó điểm nhịp như lời nhắc nhở của tiền nhân tự ngàn xưa vọng tới, cho mọi “xì-tét”, mọi nỗi lo toan vì cơm áo, lời lỗ tiêu tan; sáng dậy tắm nước nóng một lần nữa, vào Huế làm việc hay đi thăm các lăng tẩm cũng không muộn giờ các công sở mở cửa.

 

Lại chợt nghĩ: Giá như từ Thanh Tân có một chuyến xe, một “tua” đưa du khách thăm những địa chỉ văn hóa đặc sắc của Phong Điền. Lại là một ảo tưởng chăng? Thì mấy chục năm trước, ai ngờ có ngày nông dân Phong Sơn đi xe hôn-đa ra chạy máy cày bừa trên ruộng và bí thư Đảng uỷ xã mang cả hộp bia lon đến chia vui với các nhà văn Huế về sáng tác trên quê hương mình? Cũng như ai hình dung được “mỏ” Thanh Tân chìm trong lau lách trở nên một khu du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng “ngon lành” như hôm nay?…

 

Trại Sáng tác Thanh Tân, tháng 5/2009

N.K.P

Bình luận nhanh bằng tài khoản Facebook

comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *