Làng tôi cách Huế không xa. Từ Huế đi ra phía Bắc chừng chưa đầy 40km, rẽ theo quốc lộ 49 chừng 4km là đến. Làng có tên rất Phật: làng Ưu Đàm. Dọc đường đi về làng thấp thoáng nhiều ngôi nhà có vườn và tre xanh rợp bóng hiền hòa, những cánh đồng lúa xanh mướt mát dịu dạt dào hương lúa.
Những hàng cây ven đường in bóng xanh rì, thi thoảng những cơn gió nội đồng mơn man làm dịu những toan tính thường ngày nơi phố thị, cảnh sắc làng tôi yên ả và thanh bình. Chùa Ưu Đàm nằm ngay đầu làng như một biểu tượng cổ kính và linh thiêng che chở dân làng quanh năm bình an.
Chùa làng Ưu Điềm
Người dân làng tôi sống thật thà chất phác, quanh năm lam lũ với ruộng vườn, yêu những nếp sống bình dị, hài hòa theo giáo lý Phật Đà. Đời sống làng tôi không giàu có về của cải vật chất nhưng rất giàu về tinh thần. Kỵ giỗ, khánh tạ lăng mộ hay có bất kỳ việc gì nếu có miếng ăn ngon đều mời nhau.
Dân làng sống gần gũi nhau từ trong tiềm thức văn hóa, nhà này với nhà kia cách nhau chỉ một rặng tre, dậu hóp ngó qua ngó lại thấy nhau. Đêm hôm tối lửa tắt đèn gọi một tiếng là cả làng cả xóm xúm cùng nhau chung vai đấu cật, chia buồn sẻ vui. Dân làng tôi còn lưu giữ những nét mộc mạc xa xưa với nhiều nét sinh hoạt bình dân: những ngày rằm to vía lớn hay lễ tết, bà con trong làng vẫn mang nhiều loại bánh gói lá làm từ gạo tẻ, gạo nếp, đậu, mè lên chùa dâng cúng Phật, cúng tổ khai canh ra làng.
Có được điều đó bởi dân làng hầu hết đều đi chùa. Chùa Ưu Đàm làng tôi đẹp, nằm ẩn sau những tán cây cổ thụ lâu đời giữa cánh đồng ruộng lúa xanh mơn mởn. Chùa nổi tiếng linh thiêng, có bà Phật Lồi quanh năm phù hộ dân làng bình an, đêm đêm có tiếng chuông chùa làm điểm tựa cho người dân làng vượt qua những tai ách, khổ nạn đồng thời cũng là tiếng thời gian để dân làng thức dậy đúng giờ ra đồng, đi chợ.
Chùa có dáng dấp mềm mại nên thơ, bốn mùa là chỗ dừng chân cho những thợ cày thợ cấy, những o dì buôn thúng bán mẹt nghỉ ngơi qua cơn nắng gắt trưa hè hay những cơn mưa xối xả bất chợt. Trong thời cơ cực, chùa làng tôi đã cưu mang dân làng vượt qua nhiều cơn lụt lớn. Vì vậy, chùa là niềm tự hào của người dân làng tôi
Làng tôi có nhiều gia đình tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường cùng nhau đi chùa. Giữa thời buổi phố thị rộn ràng, vội vã thì ở làng vẫn còn cảnh các cụ, các bà tay dắt tay mang con cháu đi chùa lễ Phật thật thân thương và kính mến. Hình ảnh đó của chùa làng tôi không thể phai mờ trong niềm thương nỗi nhớ bao thế hệ người dân làng tôi. Chùa làng tôi vì vậy chính là nơi hội tụ của dân làng mà không hề có sự phân biệt giàu nghèo, sang hèn.
Dân làng đi chùa để lễ Phật, cũng để tu thân tích đức cho con cháu biết ăn hiền ở lành với nhau. Những lời dạy mộc mạc của các bà, các mẹ mỗi khi dắt tay các con các cháu đi chùa mà tôi thường được nghe được thật bình dị mà thấm thía: các con không được bắt chim, bắt bướm mai sau sẽ bị các ông ác khiển trách hoặc xuống địa ngục sẽ bị trừng phạt đau lắm. Các con, các cháu phải biết thương yêu, kính trọng sự sống, dù là sự sống của loài côn trùng như châu chấu, chuồn chuồn cũng đừng giết hại… Những lời giáo huấn đó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của trẻ con làng tôi.
Chùa thường sinh hoạt vào các tối 14, rằm và 30 mồng 1 âm lịch hằng tháng. Trẻ con làng tôi rất mong đợi những ngày này, bởi ngày đó thế nào cũng được theo bà theo mẹ đến chùa lạy Phật, tụng kinh và chơi đùa thích thú. Bọn trẻ đến chùa thường được các anh chị hướng dẫn quay vòng tròn và chơi những trò chơi rất vui và hữu ích.
Thói quen đi chùa và hình ảnh ngôi chùa làng cổ kính, thân thương đã thấm sâu vào tâm thức, trong phong tục tập quán của người dân làng tôi nên ai đi xa đều rất nhớ làng, nhớ chùa. Mỗi khi tết đến xuân về, hay có dịp lễ tế là ai ai cũng rất háo hức đợi ngày về để được hòa mình trong khung cảnh thanh bình của làng, nơi có ngôi chùa làng yêu dấu tuổi thơ.
TRẦN LÝ KHÁNH